Bệnh thối thân trên cây dưa lưới: Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

Dưa lưới bị thối thân - Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

Bệnh thối thân trên cây dưa lưới gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng nếu  không được kiểm soát kịp thời có thể dẫn đến chết toàn bộ cây và lây lan sang các cây khác. Cùng tìm hiểu ngay thông tin về cách điều trị và phòng chống bệnh thối thân trên cây dưa lưới qua bài viết này.

1. Nguyên nhân gây bệnh thối thân trên dưa lưới

Bệnh thối thân thường gặp ở dưa lưới chủ yếu có nguyên nhân từ các loại nấm bệnh có trong đất, hạt giống và nguồn nước tưới. Loại nấm Thielaviopsis, Fusarium solani f.s. phaseoli, Rhizoctonia solani Kuhn và Pythium spp,… thường gây ra bệnh thối thân bằng cơ chế ký sinh và phá vỡ kết cấu, hệ miễn dịch của thân cây.

Nguyên nhân gây bệnh thối thân trên dưa lưới

Bệnh này thường phát triển mạnh trong điều kiện độ ẩm cao, nhiệt độ thấp, mưa nhiều hoặc thời tiết quá nóng và quá lạnh.

2. Dấu hiệu nhận biết cây dưa lưới bị thối thân

Ở giai đoạn đầu của bệnh thối thân phần gốc của cây dưa lưới bắt đầu xuất hiện các chấm trắng, đỏ hoặc đen. Sau đó chúng lan rộng ra toàn bộ phần thân cây, đặc biệt là cổ rễ và gốc khiến cây bị héo rũ do phần thân bị hỏng không cung cấp đủ dưỡng chất và nước.

Khi chuyển nặng các vùng nấm bắt đầu lan mạnh, thân cây chuyển sang màu vàng sậm hoặc nâu, bề ngoài có vẻ khô cứng nhưng khi ấn lại mềm nhũn và sũng nước, lá cây khô héo chuyển sang màu vàng úa. Trong giai đoạn cuối thân cây sẽ xuất hiện các lớp mốc phủ bên ngoài, màu sắc tùy thuộc vào loại nấm gây bệnh.

Dấu hiệu nhận biết cây dưa lưới bị thối thân

Bệnh thối thân lan truyền và tốc độ chuyển bệnh khá nhanh, thường chỉ trong vòng 1-2 tuần nếu không được xử lý kịp thời có thể để lại hậu quả như: Làm chết toàn bộ cây, hạn chế khả năng ra hoa kết trái của cây, chất lượng quả không đạt kích thước và độ ngọt do thiếu dinh dưỡng,….

3. Cách trị bệnh thối thân trên cây dưa lưới

Mặc dù là một chủng bệnh phức tạp nhưng 2 loại thuốc sau có thể giúp bạn trị bệnh thối thân trên cây dưa lưới nhanh chóng và hiệu quả chỉ sau vài lần sử dụng.

Physan 20L

Thuốc sát khuẩn Physan 20L là sản phẩm chuyên đặc trị thối nhũn thân và lá ở cây trồng.

Cách sử dụng: Pha 2cc/1 lít nước (lưu ý thuốc liều mạnh, tác dụng nhanh chóng tuyệt đối tuân thủ pha đúng liều như hướng dẫn trên bao bì) sau đó phun cho toàn bộ cây, đặc biệt là phần thân có dấu hiệu bị bệnh. Với ưu điểm sát khuẩn cực mạnh, có tác dụng ngay sau khi phun 1 – 2 ngày, Physan 20L là loại thuốc được sử dụng nhiều nhất khi dưa lưới bị thối thân.

Vanicide 5SL

Vanicide 5SL là một trong những loại thuốc có tác dụng ngăn ngừa sự lây lan và phát triển của nấm gây bệnh thối thân trên cây trồng. Có thể sử dụng Vanicide 5SL để chữa dưa lưới bị thối thân hoặc phun trước để phòng ngừa nhiều loại bệnh khác do nấm gây ra.

Cách sử dụng: Pha 20 – 25ml thuốc với 10 lít nước (liều dùng 400 lít nước/ha) rồi phun cho toàn bộ cây trồng, phần bị thối thân phun đẫm. Trong trường hợp cây bị nặng bạn có thể phun lại thuốc sau khoảng 2 – 5 ngày.

Lưu ý: Mang đồ bảo hộ khi phun thuốc Vanicide 5SL, không sục rửa hay phun xịt thuốc vào nguồn nước sinh hoạt và ao hồ có nuôi cá.

4. Cách phòng tránh bệnh thối thân trên cây dưa lưới

Cách phòng tránh bệnh thối thân trên cây dưa lưới

Bệnh thối thân có nguyên nhân chủ yếu do nguồn đất, nước và điều kiện môi trường, chế độ chăm sóc cây. Vì vậy, để phòng tránh bệnh thối thân trên cây dưa lưới bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Xử lý đất trồng trước khi canh tác bằng cách cày bừa và bón vôi bột cho đất.
  • Trồng dưa vào mùa vụ thích hợp, đảm bảo luân canh theo chu kỳ ít nhất 2 năm đối với khu vực trồng dưa đã bị nhiễm bệnh.
  • Chọn giống dưa chất lượng, chuẩn F1 với khả năng đề kháng tốt và không chứa các loại nấm gây hại.
  • Lên luống để vườn có khả năng thoát nước tốt, trồng cao gốc và đảm bảo mật độ vừa phải giảm nguy cơ ngập úng vào mùa mưa. Hạn chế tưới dư thừa nước và tưới nước lên bề mặt luống cây.
  • Trước khi trồng nên bón lót các loại phân vi sinh có chứa các loại nấm đối kháng với chủng nấm gây bệnh.
  • Phun các loại thuốc phòng bệnh cho cây như Copper B, Kasumin 2L, Rovral 50 WP, Validacin 5L,… để đảm bảo loại bỏ mọi nguồn nấm gây bệnh kịp thời. Vào khoảng thời gian trời quá ẩm hoặc nóng/lạnh bất thường nên phun định kỳ cho cây ít nhất 1 tuần 1 lần để đảm bảo cây luôn khỏe mạnh.
  • Khi cây có dấu hiệu bệnh chưa lây lan rộng nên nhổ bỏ những cây đã bị chết hoặc bị nặng để tránh lây lan và giảm thiểu tối đa thiệt hại cho cả vườn cây.

Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Các loại sâu bệnh hại dưa lưới thường gặp để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.

Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc thông tin hữu ích về cách điều trị và phòng bệnh thối thân trên cây dưa lưới. Chúc bạn đảm bảo được vườn cây luôn khỏe mạnh, đạt năng suất và chất lượng mỗi mùa vụ nhé.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *