Hướng dẫn trồng măng tây bằng chậu, thùng xốp tại nhà

Hướng dẫn trồng măng tây bằng chậu, thùng xốp tại nhà

Mặc dù là loại rau vô cùng giàu dinh dưỡng nhưng giá măng tây khá đắt đỏ, dao động từ 100.000 – 180.000 đồng/kg nên việc sử dụng măng tây sạch mỗi ngày không phải điều dễ dàng với mọi gia đình. Để có thể sử dụng măng tây mỗi ngày với chi phí thấp nhiều gia đình đã quyết định tự trồng măng tây tại nhà.

Kỹ thuật trồng măng tây tại nhà sẽ được chia sẻ trong bài viết này giúp bạn có thể tự mình trồng măng tây sạch để sử dụng mỗi ngày.

1. Những điều nên biết khi trồng măng tây tại nhà

Măng tây là giống cây trồng không chịu được ngập úng nên khi trồng ở nhà bạn nên chọn khu vực đất thoát nước tốt hoặc chậu trồng có kích thước lớn, chiều sâu đủ cho bộ rễ của măng tây ăn sâu xuống. Nếu trồng trong chậu nên chọn vị trí có nhiều ánh sáng như ban công hoặc sân nhà để đảm bảo măng tây có đủ ánh sáng để quang hợp và phát triển.

Những điều nên biết khi trồng măng tây tại nhà

Mùa vụ trồng măng tây tại nhà tốt nhất là vào khoảng xuân hè từ tháng 2 – 3 khi tiết trời mát mẻ, trời không nắng gắt và độ ẩm cao. Thời gian thu hoạch măng khi trồng trong chậu tại nhà sẽ lâu hơn thời gian thông thường từ 3 – 6 tháng do măng bị ảnh hưởng bởi yếu tố nguồn đất và chế độ dinh dưỡng.

Đất trồng là yếu tố vô cùng quan trọng khi trồng măng tây, bạn phải đảm bảo chọn được loại đất phù sa màu mỡ, đất thịt pha cát hoặc đất đỏ giàu dinh dưỡng nhé. Đặc biệt đất càng có độ tơi xốp cao thì măng phát triển càng nhanh và thoát nước tốt tránh ngập úng.

Những điều nên biết khi trồng măng tây tại nhà

Ngoài ra, khi trồng măng tây bạn nên lựa chọn loại hạt giống măng tây phù hợp với điều kiện khu vực và thời gian thu hoạch mong muốn. Lời khuyên dành cho bạn khi trồng măng tây trong chậu tại nhà nên chọn giống măng tây xanh vì đây là loại dễ trồng nhất trong cả 3 loại.

2. Hướng dẫn trồng măng tây tại nhà trong chậu hoặc thùng xốp

Bước 1: Chuẩn bị

Xử lý đất trồng bằng cách trộn thêm với các loại phân hữu cơ, trùn quế, tro trấu, xơ dừa,… để tăng độ tơi xốp cho đất và cải thiện dinh dưỡng bên trong đất giúp cây phát triển tốt khi trồng.

Lựa chọn chậu hoặc thùng xốp để trồng măng phải là loại lớn có đường kính tối thiểu 30cm 1 chậu hoặc có thể dùng thùng cỡ lớn nhưng đảm bảo khoảng cách trồng giữa các cây phải là 50cm. Nên chọn loại thùng to, mỗi chậu hoặc mỗi thùng chỉ nên trồng 1 khóm măng tây là thích hợp.

Bước 2: Ươm hạt giống măng tây

Sau khi lựa được hạt giống măng tây thích hợp bạn tiến hành ươm hạt với kỹ thuật như sau: Ngâm hạt khoảng 12 tiếng với nước ấm 53 độ C, sau đó bớt ra và ủ trong khăn ấm khoảng 9 – 12 ngày hạt sẽ nứt. Trong thời gian ủ tưới nước cho hạt 12 tiếng 1 lần, nên tưới nước ấm để tăng khả năng nảy mầm.

Ủ hạt giống măng tây

Khi hạt đã nứt bạn mang hạt gieo vào chậu/thùng xốp với chiều sâu khoảng 1 – 2cm so với mặt đất (mỗi chậu chỉ nên giảo từ 6 – 8 hạt). Phủ lên bề mặt hạt măng 1 lớp đất mỏng và đảm bảo tưới nước thường xuyên, không để măng thiếu độ ẩm. Lưu ý không được tưới sũng quá trong giai đoạn này, dễ khiến măng bị chết.

Bước 3: Chăm sóc cây măng tây trong chậu

Sau khi gieo hạt khoảng 2 – 3 tháng măng sẽ bắt đầu phát triển cao khoảng 20 – 30cm. Lúc này bạn tiến hành xem xét và loại bỏ những cây bị sâu bệnh hoặc còi cọc, tuy nhiên vẫn đảm bảo mỗi chậu măng tây còn lại từ 4 – 5 cây.

Tiến hành bổ sung chất dinh dưỡng cho cây bằng cách bón thêm phân hữu cơ, trùn quế, NPK, phân lân,… định kỳ từ 1 – 2 tháng 1 lần. Ưu tiên sử dụng phân trùn quế để măng phát triển cao, thân mập và sinh trưởng tốt.

Sau khoảng 9 tháng – 1 năm chăm sóc liên tục bằng việc tưới nước hàng ngày, bón phân định kỳ và loại bỏ sâu bệnh hoặc các cây còi cọc măng tây sẽ bắt đầu cho ra mầm mới, đây là thời điểm mà bạn có thể bắt đầu thu hoạch măng.

Bước 4: Cách thu hoạch măng tây tại nhà

Để đảm bảo chậu măng tây có thể thu hoạch được trong thời gian dài bạn cần lưu ý đến kỹ thuật và thời gian thu hoạch măng nhé. Thời điểm tốt nhất để hái măng tây là vào sáng sớm từ 5 – 8 giờ sáng khi trồi măng nhú lên mặt đất từ 20 – 30cm.

Tiến hành bẻ sâu xuống dưới để thu được cả những phần dưới gốc, tránh tình trạng cây măng cắt ngang trên mặt đất dễ tạo điều kiện cho sâu bệnh ăn hại.

Cách thu hoạch măng tây tại nhà

Sau khi thu hoạch liên tiếp từ 2 – 3 tháng bạn nên cho măng nghỉ từ 1 – 2 tháng để nuôi lại cây mẹ rồi mới tiếp tục thu hái để đảm bảo măng cho thời gian thu hoạch lâu nhất. Nếu tuân thủ đúng cách thu hoạch và chăm sóc 1 chậu măng trồng tại nhà sẽ cho thu hoạch từ 5 – 10 năm.

Trên đây là những kỹ thuật trồng măng tây trong chậu tại nhà đơn giản và hiệu quả đang được nhiều người áp dụng. Chúc bạn tự trồng măng tây tại nhà thành công mang đến những bữa ăn bổ dưỡng cho cả gia đình nhé.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *