Lựa chọn đất trồng không phù hợp là nguyên nhân dẫn đến măng tây bị còi cọc, dễ bị sâu bệnh phá hoại và không đạt năng suất khi thu hoạch. Loại đất nào phù hợp trồng măng tây và kỹ thuật làm đất trước khi trồng măng tây là những yếu tố quan trọng khi trồng loại cây này mà bạn nên nắm được.
1. Những loại đất phù hợp để trồng măng tây?
Măng tây là giống cây lâu năm có thể cho thu hoạch ít nhất từ 15 – 25 năm nếu được chăm sóc đúng cách và đúng đất trồng. Đất trồng măng tây phải đảm bảo cho bộ rễ của cây phát triển với độ phì nhiêu cao, nhiều mùn và tầng canh tác dày.
Theo kinh nghiệm của nhiều nhà vườn măng tây thích hợp trồng trên những loại đất sau:
- Đất đỏ bazan hoặc đất phù sa ven sông, đất cồn giàu dinh dưỡng.
- Đất thịt pha cát, đất có độ tơi xốp và thoát nước tốt.
- Các vùng đất đồi màu mỡ không có đá ngầm hoặc sỏi.
Điều kiện của các vùng đất trồng măng tây:
- Đảm bảo tầng canh tác ít nhất từ 50 – 100cm.
- Đất ở khu vực bằng phẳng không quá dốc và không bị sạt lở vào mùa mưa.
- Khu vực đất cao đảm bảo không bị ngập úng vào mùa mưa.
- Đảm bảo nhận được ánh nắng từ mặt trời ít nhất từ 7 – 8 giờ mỗi ngày.
- Độ PH trong đất đảm bảo từ 6.5 – 7.5.
Lưu ý: Măng tây không thể phát triển và cho năng suất tốt khi trồng ở các vùng có điều kiện trồng măng tây không thích hợp như: đất bị nhiễm phèn, nhiễm chua, ngập mặn và nhiều sỏi đá.
2. Kỹ thuật xử lý đất trước khi trồng măng tây
Ngay cả khi chọn được một thửa đất tốt thì bạn vẫn phải cải tạo đất thật kỹ lưỡng trước khi trồng vì bộ rễ của măng tây thường ăn sâu và trải rộng trong đất. Vì vậy sau khi trồng bạn gần như không thể can thiệp để đào xới hay làm tơi xốp lại đất.
2.1. Kỹ thuật xử lý đất ươm hạt giống măng tây
Trước khi trồng ra vườn măng tây được ươm cây trong từng bầu đất riêng biệt, cách cải tạo đất ươm hạt măng tây như sau:
- Trộn đất trồng măng tây với mùn dừa, tro trấu và phân chuồng, trùn quế hoặc phân vi sinh theo đúng tỷ lệ 3: 1. Thông thường sẽ trộn từ 5 – 6kg lân/1m3 đất dùng để ươm hạt giống.
- Đảm bảo tất cả các thành phần trong đất được trộn đều với nhau và tưới ẩm từ 60 – 70%.
- Phơi nắng và bón vôi vào đất để diệt sâu bệnh có trong đất trước khi ươm hạt.
2.2. Quy trình làm đất trồng măng tây
Sau khi chọn được vùng đất trồng măng tây bạn tiến hành làm đất theo quy trình dưới đây:
Bước 1: Dọn sạch cỏ rác có trên mặt đất bằng biện pháp thủ công và tiến hành cày sâu đất khoảng 40 – 50cm. Tiếp tục phun thuốc trừ sâu bệnh và diệt cỏ rồi cày xới tiếp lần 2 cho đất thật đều và thuốc ngấm sâu vào tất cả các tầng đất.
Bước 2: 15 ngày sau tiến hành làm đất lần 2 bằng cách rải vôi lên bề mặt đất và tiếp tục cày xới nhiều lần để trộn đều vôi vào đất. Sau đó phơi nắng khoảng 1 tuần để diệt các mầm bệnh có trong đất.
Bước 3: Thực hiện bón lót lần 1 cho đất trồng bằng các loại phân hữu cơ, trùn quế, phân chuồng và phân vi sinh với mục đích tăng cường dưỡng chất cho đất. Trong bước này tiến hành trộn thêm tro trấu, mùn dừa và rơm rạ cho đất để tăng độ tơi xốp, khả năng giữ ẩm và thoát nước. Tiếp tục cày xới đất nhiều lần để trộn đều dinh dưỡng cho đất.
Bước 4: Sau khoảng 15 ngày bạn tiếp tục dọn sạch cỏ rác mới mọc và bón lót lần 2 cho đất giống như lần 1 và tiếp tục cày xới nhiều lần để trộn đều và tăng độ tơi xốp. Sau khi bón lót lần 2 có thể bắt đầu làm luống, rãnh để trồng cây.
Thời gian để cải tạo đất trồng măng tây thường kéo dài từ 40 – 60 ngày tùy vào thời gian bạn phơi và ủ đất trước khi trồng.
Lưu ý: Măng tây không chịu được ngập úng nên khi làm rãnh thoát nước đảm bảo khoảng cách giữa các hàng là 100 – 120cm, độ sâu của rãnh thoát ít nhất từ 20 – 30 cm. Để tăng khả năng thoát nước nên đánh luống trồng với 2 bên mép có độ nghiêng.
Xử lý đất trồng măng tây sẽ không còn là điều khó khăn với bất kỳ nhà vườn nào khi đọc được những thông tin trên bài viết này. Chúc bạn tìm được loại đất trồng măng tây phù hợp cho năng suất măng tốt mỗi năm và không tốn quá nhiều công sức để cải tạo.