Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên thị trường, măng tây tím ngày càng được trồng phổ biến ở nhiều tỉnh thành. Kỹ thuật trồng măng tây tím hiện nay đã tạo ra giống măng chất lượng và có năng suất ổn định trong các mùa vụ.
1. Đặc điểm của măng tây tím
Măng tây tự nhiên có 3 loại: măng xanh, măng trắng và măng tím. Trong đó, măng tây tím là giống cây ít gặp nhất.
Màu tím của cây măng chủ yếu đến từ các chất chống oxy hóa mạnh, cụ thể là nhờ hàm lượng cao anthocyanins. Trong cây măng tây tím còn có chứa lượng gluxit nhiều hơn gấp 5 lần cây măng tây xanh.
Mặc dù có ít chất xơ nhưng vị của măng tím rất đậm đà, ngọn măng ăn được từ đầu ngọn đến tận gốc, khi chế biến mang lại mùi thơm nhẹ, vị ngọt tự nhiên và hương vị hấp dẫn cho các món ăn.
Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra măng tây tím có rất nhiều công dụng với sức khỏe con người. Thành phần dinh dưỡng của măng tím có đủ chất đạm, chất xơ, chất béo, vitamin, khoáng chất và các acid amin.
Các chất chống oxy hóa của cây măng sẽ làm giảm nguy cơ đục thủy tinh thể, đặc biệt, măng tím cũng được đánh giá là loại cây có khả năng ngăn ngừa bệnh ung thư tốt nhất.
Ngoài ra, cây măng tím cũng có chứa chất phytochemical làm ngăn ngừa loãng xương và phòng tránh bệnh viêm khớp. Tính lợi tiểu và nhuận tràng của măng tím sẽ giúp cải thiện hệ tiêu hóa và bài tiết độc tố hiệu quả.
Đặc biệt, ngọn măng tây tím có độ kiềm tương đối cao, hỗ trợ làm giảm nồng độ axit và làm sạch các mô trong cơ thể. Đối với nữ giới, chất kích thích tố nữ sẽ làm ổn định mức estrogen và duy trì làn da khỏe đẹp.
So với măng tây xanh, măng tím khó chăm sóc hơn đồng thời cũng cho sản lượng trong mỗi vụ thu hoạch chỉ bằng 50- 80% các loại măng tây khác. Với sản lượng măng tây thu hoạch trong mỗi mùa không lớn, măng tây tím hiện đang có giá bán khá cao, trung bình từ 100.000 – 120.000 đồng/kg.
2. Hướng dẫn cách trồng măng tây tím
2.1. Thời vụ trồng phù hợp
Măng tây tím là loại cây trồng ưa khí hậu mát, ưa ánh sáng mặt trời, nhiệt độ lý tưởng để trồng cây măng là 25- 30 độ C. Trong quá trình phát triển, cây cần được tưới nước thường xuyên, tuy nhiên, cần tránh để đất ngập úng làm giảm khả năng sinh trưởng.
Thời điểm thích hợp nhất để ươm mầm cho cây măng tím là vào tháng 2, khi thời tiết mát mẻ, và thu hoạch vào tháng 6. Ngoài ra, cây cũng có thể trồng vào vụ thu đông từ tháng 8 đến tháng 3 tùy thuộc vào điều kiện khí hậu.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Để gieo trồng, bà con nên chọn mua hạt giống măng tây tím đời F1 có chất lượng cao, khả năng chống nấm và sâu bệnh tốt, dễ trồng và thu hoạch.
- Đất trồng sử dụng đất phù sa, đất thịt nhẹ hoặc đất có pha cát, đảm bảo độ phì nhiêu, không ngập úng, giàu mùn, tơi xốp và có độ pH trung bình 6,5- 7.
2.2. Các bước tiến hành
- Bước 1: Ngâm ủ hạt giống
Hạt giống măng tây tím có vỏ rất cứng, vì thế, hạt cần được xử lý trước khi ươm mầm và gieo trồng. Đầu tiên, ngâm hạt giống trong nước ấm, nhiệt độ nước 40- 45 độ C khoảng 24 giờ, thường xuyên thay nước và kiểm tra hạt.
Sau khi ngâm, rửa sạch bụi bẩn cho hạt và loại bỏ những hạt bị lép. Tiến hành ủ hạt giống măng tây trong vải ẩm, lưu ý sử dụng vải tối màu, chất thun và không có sợi sần sùi. Khi ủ, trải đều hạt trên bề mặt khăn và đậy lại bằng một lớp vải ẩm khác.
- Bước 2: Ươm và gieo mầm hạt giống
Hạt giống ủ trong vài ngày sẽ bắt đầu nứt nanh, bạn đem hạt giống này gieo vào bầu ươm hoặc trồng trực tiếp xuống luống đất đã được cày xới trong các vườn ươm.
Thông thường, bà con nên dùng bầu ươm để cung cấp dưỡng chất cho hạt giống trong thời kỳ sinh trưởng đầu tiên. Bầu ươm sử dụng đất sạch, mùn và các loại phân bón. Khi ươm, dùng que tạo các lỗ sâu khoảng 1cm và đặt hạt vào chính giữa, lấp nhẹ đất xung quanh và tưới nước tạo độ ẩm.
- Bước 3: Trồng cây con vào đất
Sau thời gian 7- 10 ngày, cây con sẽ lên ngọn, bà con tiếp tục chăm sóc, dọn cỏ đến khi cây ra 3- 4 nhánh phụ với độ cao khoảng 25- 30cm thì tách cây con khỏi bầu ươm và trồng vào đất. Trước khi trồng, đất phải được cày theo chu kỳ 15 ngày/lần và lên luống.
3. Cách chăm sóc măng tây tim đúng kỹ thuật
- Măng tây tím cần được cung cấp nước thường xuyên, duy trì độ ẩm của đất 60- 70% mới có thể đảm bảo năng suất. Thời gian tưới thích hợp là vào buổi sáng hoặc buổi chiều sau 17 giờ.
- Bón lót cho cây bằng các loại phân hữu cơ hoai mục để cấp thêm nhiều chất dinh dưỡng.
- Bón thúc lần đầu cho cây sau khoảng 15- 20 ngày gieo trồng. Bà con dùng phân NPK loại trộn tỉ lệ 16:16:8 hòa loãng với nước và tưới đều lên gốc cây. Trung bình cây cần được bón thúc 1 lần/tháng để cho chất lượng măng tốt.
- Làm cỏ định kỳ cho cây. Gốc cây phải được dọn cỏ sạch để ngăn sâu bệnh phát triển. Bà con có thể dùng màng phủ nông nghiệp hoặc rơm rạ cho cây trong thời kỳ đầu để hạn chế cỏ mọc nhiều.
- Cây măng tím sinh trưởng trong khoảng 4 tháng, khi đường kính gốc mẹ lớn hơn 10cm và lá cây dưới gốc chuyển màu xanh đậm thì tiến hành cắt bớt ngọn cây, bỏ lá già và chỉ giữ lại ngọn cây cao khoảng 1- 1,2m.
- Dùng thêm một số loại thuốc trị tuyến trùng hoặc thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ cây khỏi sinh vật gây hại.
- Khi thu hoạch, bạn nên chọn thời gian sáng sớm 6- 7 giờ, cắt mầm măng sát gốc và để lại thân măng còn khoảng 8mm. Vì măng tây tím cho năng suất thu hoạch thấp nên bạn cần bón phân sau lứa đầu tiên để cây tiếp tục sinh trưởng.
Măng tây tím là giống cây được trồng với số lượng lớn nhất ở các nước châu Âu, tuy vậy, so với măng tây xanh, măng tây tím rất ít xuất hiện và không được sử dụng phổ biến tại Việt Nam.
Thế nhưng, với sự cải tiến về kỹ thuật trồng măng tím, trong tương lai, giống cây này chắc chắn sẽ được nhân rộng trên thị trường nhờ vào chất lượng và những giá trị tuyệt vời mà chúng đem lại.