Hướng dẫn cách trồng dưa lưới trong chậu tại nhà

Hướng dẫn cách trồng dưa lưới trong chậu tại nhà

Trồng dưa trong chậu tại nhà đang là phương pháp phổ biến được áp dụng ở nhiều gia đình. Phương pháp trồng này đơn giản, dễ thực hiện và đem lại hiệu quả cao.

1. Chuẩn bị nguyên liệu

  • Hạt giống dưa lưới

Hạt giống cây có thể mua trực tiếp tại các cửa hàng chuyên cung cấp hạt giống cây trồng hoặc các vựa dưa lớn ở các tỉnh.

Chọn hạt giống dưa lưới chất lượng

Loại hạt giống dưa lưới tốt nên là hạt thuần chủng dòng F1, đảm bảo chất lượng, không bị sâu bệnh và có tỉ lệ nảy mầm cao. Bạn có thể chọn hạt giống dưa xanh hoặc dưa vàng tùy thuộc vào sở thích và nhu cầu.

  • Giá thể

Giá thể dùng để trồng dưa phải là loại đất tơi xốp, nhiều chất dinh dưỡng và có khả năng giữ độ ẩm tốt. Loại giá thể tốt nhất nên được trộn các thành phần theo tỉ lệ 40% than bùn: 30% mùn hữu cơ: 30% trấu hun.

Trong khi trộn, giá thể nên được bón lót thêm một số loại phân có chứa dưỡng chất như phân NPK, phân đạm, phân lân.

  • Chậu trồng dưa

Dưa lưới rất nhanh phát triển, rễ cây dài nên bạn cần chọn những chiếc chậu kiểng to, có độ rộng và sâu để trồng cây. Trung bình, một chiếc chậu vuông có kích thước 36x36cm đã đủ trồng 1 cây dưa.

Bên dưới đáy của chậu trồng cần được đục nhiều lỗ, các lỗ đục vừa có vai trò thoát nước vừa tăng khả năng trao đổi khí cho cây, tránh cây bị ngập úng gây thối rễ.

2. Các bước trồng dưa lưới trong chậu

  • Bước 1: Chuẩn bị và ủ hạt giống

Ngâm hạt giống dưa lưới trong nước ấm từ 2 đến 4 giờ, vớt hạt giống, rửa sạch bụi bẩn, loại bỏ các hạt bị lép. Tiến hành ủ hạt bằng vải ẩm tối màu khoảng 24 giờ, thường xuyên kiểm tra và chọn những hạt tách mầm để ươm trước.

Ươm hạt giống dưa lưới

  • Bước 2: Ươm hạt 

Ươm hạt giống đã ủ vào trong các bầu đất nhỏ đã có sẵn giá thể, một hạt một bầu đất riêng. Trong khi ươm, cắm phần đầu hạt dưa xuống dưới, bên trên phủ một lớp đất xốp mỏng.

Thời gian ươm kéo dài từ 7 đến 10 ngày, cây bắt đầu ra lá thật. Trong khi ươm, hạt cần được tưới đều đặn với lượng nước vừa đủ và đặt ở những nơi mát mẻ, thông thoáng.

  • Bước 3: Trồng cây non vào chậu

Chọn những cây cao, khỏe và tươi nhất cho vào trồng trong các chậu đã được đục lỗ và lấp đầy đất. Mỗi chậu chỉ nên trồng 1 cây để đảm bảo không gian cho rễ cây phát triển.

Tách bầu đất và chuyển câu vào chính giữa chậu, sau khi trồng, ấn nhẹ lớp đất xung quanh để giữ thân cây thẳng, có thể rắc thêm một lớp vôi bột mỏng lên phía trên để tránh sâu bệnh.

Trồng cây non dưa lưới non vào chậu

Những ngày sau bắt đầu tưới nước và bón thêm phân để cây nhanh ra thêm lá và vươn dài. Dưa lưới là một loại cây ưa nhiệt, vì thế bạn nên đặt chậu cây ở những vị trí có ánh nắng vừa đủ để cây hấp thụ nhiệt và khí oxy.

3. Quá trình chăm sóc dưa lưới trồng bằng chậu

Mặc dù hình thức trồng cây trong chậu tại nhà đơn giản hơn so với phương pháp trồng cây theo luống ở các vườn dưa lớn nhưng quá trình chăm sóc vẫn luôn phải đảm bảo các bước và được thực hiện thường xuyên để cây sinh trưởng tốt.

Quá trình chăm sóc dưa lưới trồng bằng chậu

Ngoài ra, bạn cần quan tâm đến các loại sâu hại dưa lướicác loại bệnh trên cây dưa lưới để có biện pháp ngăn chặn và phòng trừ kịp thời.

  • Làm thêm giàn leo trên sân thượng hoặc trong vườn nhà để cây leo lên khi bắt đầu ra nhiều lá. Vì số lượng cây ít nên giàn leo không cần làm quá lớn, có thể tận dụng các thanh sắt mỏng để tạo giàn cố định.
  • Cắt tỉa khi cây ra được 4- 5 lá thật, bấm bớt các ngọn, các nhánh phụ trên thân để tạo chỗ thoáng và tập trung chất dinh dưỡng cho các ngọn chuẩn bị ra quả.
  • Tiến hành thụ phấn để kích thích quả mọc nhanh hơn. Ở các thành phố lớn, cây trồng thường khó kết quả hơn do lượng ong bướm ít, các gia đình có thể áp dụng cách thụ phấn thủ công trên các bông hoa to và đẹp để tạo quả.
  • Cắt bớt quả non trên các cây, chọn giữ lại 1- 2 quả có chất lượng tốt trên mỗi cây, tránh để quá nhiều quả sẽ làm thân cây bị trĩu xuống và gãy.
  • Bón phân đều đặn, thường xuyên, nhất là khi cây đã ra quả để tăng chất dinh dưỡng. Sau khoảng 10 ngày dưỡng quả, hạn chế tưới phân và giảm lượng nước để không làm úng rễ.
  • Sử dụng thêm dây để buộc khi quả đã phát triển lớn để giữ quả ở vị trí cố định. Dùng túi lưới bọc lại từng quả để ngăn các loại côn trùng đục phá làm hỏng quả.
  • Tiến hành thu hoạch dưa sau khoảng 1- 2 tháng. Tùy thuộc vào thời gian phát triển mà các cây sẽ có thời điểm chín quả và thu hoạch khác nhau. Quả dưa khi bắt đầu chuyển từ màu xanh sang vàng ngà, có mùi thơm nhẹ, phần lưới trên bề mặt quả gân lên là có thể thu hoạch được.

Trồng dưa lưới bằng chậu tại nhà hoàn toàn không tốn nhiều thời gian, quá trình thực hiện đơn giản, phù hợp cho các bà nội trợ. Việc tự trồng dưa vừa giúp tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo an toàn, tránh các loại trái cây có sử dụng thuốc trừ sâu trên thị trường.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *