Mách bạn kỹ thuật trồng dưa lưới tại nhà bằng thùng xốp

Mách bạn kỹ thuật trồng dưa lưới tại nhà bằng thùng xốp

Dưa lưới thường được trồng phổ biến trong các nhà màng hoặc áp dụng công nghệ thủy canh tại các vườn trồng dưa lớn. Tuy nhiên, các gia đình hoàn toàn có thể áp dụng kỹ thuật trồng dưa lưới bằng thùng xốp để tự trồng và chăm sóc cây ngay tại nhà.

1. Chuẩn bị nguyên vật liệu trồng dưa lưới trong thùng xốp

  • Hạt giống 

Dưa lưới được chia thành 2 loại chính là dưa vàng và dưa xanh, cả hai loại dưa này đều có quá trình gieo hạt đơn giản và thời gian trồng ngắn. Khi mua hạt giống dưa lưới, bạn nên tìm tới các địa chỉ chuyên cung cấp hạt giống cây trồng uy tín, có thương hiệu rõ ràng.

Mách bạn kỹ thuật trồng dưa lưới tại nhà bằng thùng xốp

Do số lượng hạt giống cây dùng để trồng tại nhà ít, bạn nên ưu tiên chọn những hạt giống chất lượng, phù hợp với đặc điểm khí hậu của từng vùng miền.

  • Đất

Đất trồng cho dưa lưới thường được cung cấp ngay tại những địa chỉ bán hạt giống, bạn có thể trực tiếp mua đất về để gieo hạt và trồng ngay. Loại đất tốt nhất được dùng khi trồng dưa lưới là đất phù sa.

Ngoài ra, các gia đình có thể tận dụng các loại vật liệu khác để tự trộn một hỗn hợp đất với đầy đủ dinh dưỡng cho cây, cụ thể là hỗn hợp đất sạch, phân trùn quế và xơ dừa.

Để tăng dưỡng chất, bạn nên tự trộn thêm giá thể để tăng dưỡng chất cho cây trồng bao gồm đất, xỉ than và trấu theo tỉ lệ 4:4:3. Xỉ than nên được ngâm trong 24 giờ và đập vụn trước khi trộn.

  • Phân bón

Cùng với đất, người trồng cũng cần có các loại phân bón để phục vụ quá trình chăm sóc cho cây trồng. Tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển, cây sẽ cần các loại phân bón khác nhau, trong đó, không thể thiếu phân hữu cơ, phân NPK, lân, đạm, kali.

  • Thùng xốp

Đối với thùng xốp sử dụng để trồng cây, loại thùng có kích thước rộng dạng chữ nhật là thích hợp nhất. Thùng xốp lớn sẽ đảm bảo cho cho cây dưa có được bộ rễ khỏe và phát triển nhanh.

Thùng xốp để trồng dưa lưới tại nhà

Bên dưới đáy thùng xốp, để tránh hiện tượng úng nước, các gia đình nên đục các thêm các lỗ thoáng. Các lỗ thoáng cũng giúp cây tăng cường quá trình trao đổi khí, tránh thối rễ.

Vốn là loại cây ưa sáng, bạn nên đặt thùng xốp ở những vị trí có tiếp xúc nhiều ánh sáng để tạo điều kiện cho cây phát triển. Khoảng không gian rộng sẽ giúp trái dưa to, tròn, nhanh chín và có chất lượng tốt hơn.

2. Các bước trồng dưa lưới trong thùng xốp tại nhà

Bước 1: Chọn thời điểm gieo hạt

Thông thường, dưa lưới được trồng thành 2 vụ trong năm. Nếu bạn tự trồng cây bằng thùng xốp tại nhà thì có thể chủ động chọn thời gian để ươm cây. Vì dưa lưới là loại cây chịu lạnh kém nên trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 9 trong năm là phù hợp nhất cho việc gieo hạt.

Bước 2: Ươm hạt giống 

Đối với loại hạt giống thuần chủng dòng F1, bạn có thể trực tiếp ươm hạt vào đất mà không cần ủ. Tuy nhiên, với các hạt giống dòng lai, để tăng tỉ lệ đậu quả, quá trình ngâm và ủ hạt đóng vai trò rất quan trọng.

Đầu tiên, ngâm hạt giống trong nước ấm theo tỉ lệ 3 phần nước lạnh: 2 phần nước sôi. Sau đó, ủ hạt vào giữa hai tấm vải thấm ẩm để đợi hạt tách mầm mới mang đem ra ươm.

Bước 3: Trồng cây trong thùng xốp

Nếu bạn ươm hạt trực tiếp trong thùng xốp thì nên lưu ý gieo các hạt cách nhau ít nhất là 25cm, với diện tích không gian rộng và lượng thùng xốp nhiều thì mỗi thùng chỉ nên trồng 1 cây. Sau khoảng 7- 10 ngày, hạt giống sẽ nảy mầm, tuy nhiên, bạn không nên tưới quá nhiều nước trong giai đoạn này.

Các bước trồng dưa lưới trong thùng xốp tại nhà

Nếu bạn sử dụng bầu đất có chứa hỗn hợp đất đã trộn để ươm mầm cho cây thì khi cây đã ra 2 lá thật mới được tách bầu và chuyển cây sang trồng trong thùng xốp. Trong khoảng thời gian đầu, thùng xốp có cây non cần được che chắn cẩn thận, tránh mưa gió và nắng gắt.

3. Chăm sóc dưa lưới trồng trong thùng xốp

Để có thể chăm sóc cây dưa lưới một cách tốt nhất, đảm bảo tỷ lệ đậu quả cho cây, bạn cần phải lưu ý những điều quan trọng sau:

  • Khi tưới nước, lượng nước cần được cân đối trong từng thời kỳ sinh trưởng. Cây bắt đầu ra lá chỉ cần tưới 1 lần/ngày, đến khi cây ra nhiều lá hơn có thể tưới 1- 2 lần với lượng nước khoảng 0,5- 0,8 lít/ngày.
  • Bón phân vào thời điểm thích hợp để tăng chất dinh dưỡng cho đất, khi cây được 3- 4 lá thì có thể bón phân hữu cơ lần đầu, sau đó, khoảng 15- 20 ngày thì tiến hành bón thêm phân.
  • Làm giàn khi cây bắt đầu mọc 4- 5 lá, dựng hàng rào hoặc đóng cọc để tạo điểm tựa cho cây leo, sử dụng các loại dây bằng nilon buộc nhẹ ngọn cây vào cọc.
  • Lấp đất cho cây thường xuyên để cấp thêm chất dinh dưỡng, khi cây cao khoảng 25cm thì nên lấp đất cao lên phần rễ để giữ cây ở vị trí thẳng đứng.
  • Tỉa các nhánh phụ và bấm ngọn cho cây, một cây thường chỉ nên giữ lại 1 bông hoa cái và một số ít lá xung quanh để hoa phát triển và đậu quả. Nếu cây có nhiều lá thì nên ngắt bớt lá để tập trung dinh dưỡng nuôi hoa và quả.
  • Thu hoạch dưa lưới khi quả đã chín vàng, sau khi hái, để quả ở nơi mát, thông thoáng khoảng vài ngày là có thể thưởng thức.

Ngoài ra, bạn cần quan tâm đến các loại sâu hại dưa lưới và các loại bệnh trên cây dưa lưới để có biện pháp ngăn chặn và phòng trừ kịp thời.

Chăm sóc dưa lưới trồng trong thùng xốp

Dưa lưới đích thực là một món ăn ngọt lịm và tươi mát của mùa hè. Trải nghiệm trồng dưa lưới tại nhà bằng thùng xốp chắc chắn sẽ mang lại nhiều niềm vui cùng loại trái cây bổ dưỡng nhất cho cả gia đình bạn. Bạn hoàn toàn có thể tận dụng khoảng trống trên sân thượng hay một góc vườn để trồng những cây dưa lưới và làm cho không gian sống thêm sinh động, tràn đầy sức sống.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *