Với hàm lượng dinh dưỡng cao, dưa lưới ruột vàng đang là loại trái cây được các gia đình yêu thích lựa chọn. Nếu bạn muốn có được những trái dưa chất lượng và đảm bảo an toàn thì có thể lựa chọn cách trồng dưa lưới ruột vàng tại nhà, tận dụng tối đa không gian trống trên sân thượng của mình.
1. Tại sao dưa lưới ruột vàng lại được ưa chuộng hiện nay?
Dưa lưới được chia thành hai loại chính là dưa ruột vàng và dưa ruột xanh, trong đó, dưa vàng hay còn gọi là cucumis melo chủ yếu có dạng tròn hoặc bầu dục tròn, một quả dưa trung bình nặng khoảng hơn 1- 3,5kg.
Dưa lưới ruột vàng có lớp vỏ ngoài màu xanh thẫm và khi chín thì chuyển dần sang màu vàng ngà, trên bề mặt vỏ, gân lưới nổi rõ với các đường gân trắng và dày đan xen.
Ruột của trái dưa có màu vàng tươi hoặc vàng cam đẹp mắt, mùi thơm nhẹ. Hạt dưa thường tập trung chủ yếu ở hai đầu lõi, ở giữa quả hạt thưa dần. Thịt quả khi ăn giòn, vị ngọt đậm.
Bên trong trái dưa vàng có chứa rất nhiều các chất dinh dưỡng, chỉ 100g dưa vàng đã có tới 88% hàm lượng nước, các loại vitamin A, C, Acid Folic cùng các loại chất xơ và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể.
Đây cũng là loại quả mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe như hỗ trợ giảm cân, làm đẹp da, giảm cholesterol và phòng ngừa các bệnh nguy hiểm như huyết áp cao, tim mạch, tiểu đường và cả ung thư. Ngoài ra, nhờ hàm lượng vitamin A cao, dưa vàng cũng giúp cải thiện thị lực hiệu quả, đặc biệt là ở người cao tuổi.
Thời gian trung bình cho một vụ mùa gieo trồng hạt giống và thu hoạch dưa lưới ruột vàng là 3 tháng, quả được trồng trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 9 dương lịch hàng năm trong nhiệt độ từ 15 đến độ C. Mỗi năm, dưa được trồng thành 2 vụ và có thể đan xen một vụ giữa để tăng năng suất.
Giống dưa lưới ruột vàng trên thị trường bao gồm cả các loại dưa nội địa và dưa ngoại lai từ Nhật Bản, Đài Loan, đem lại tiềm năng kinh tế lớn cho những người trồng dưa. Hiện nay, mức giá cho loại quả này thường dao động khoảng 60.000 đồng/kg.
2. Cách trồng dưa lưới ruột vàng tại nhà
a. Chuẩn bị nguyên liệu
- Hạt giống
Giống dưa lưới ruột vàng có nguồn gốc xuất xứ đa dạng, bạn có thể chọn loại dưa truyền thống hoặc dưa ngoại lai để gieo trồng tại nhà. Hạt giống dưa lưới ruột vàng dòng thuần chủng F1 có chất lượng cao, khả năng sinh trưởng tốt và kháng sâu bệnh hiệu quả.
- Giá thể
Để ươm hạt giống dưa vàng, giá thể cần phải được trộn với tỉ lệ thích hợp giữa các nguyên liệu và đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho hạt nảy mầm nhanh. Hỗn hợp giá thể có nhiều dưỡng chất nhất bao gồm phân chuồng hoai hoặc phân trùn quế, mụn xơ dừa và tro trấu theo tỉ lệ 70:20:10.
Giá thể chỉ nên dùng cho 1 lần ươm hạt, bạn nên thay giá thể cho những lứa hạt giống tiếp theo để tránh hiện tượng thiếu hụt dinh dưỡng.
- Đất trồng
Dưa lưới ruột vàng nên được trồng trong môi trường đất sạch, đất cần được làm cỏ dại, làm tơi xốp và loại bỏ các loại vi khuẩn, nấm mốc trước ít nhất 10 ngày. Loại đất thịt nhẹ, đất phù sa là lựa chọn tốt để trồng dưa vàng tại nhà.
- Vật liệu trồng cây
Để ươm mầm, bạn cần chuẩn bị các bầu ươm nhỏ, mỗi bầu chỉ nên ươm 1 mầm cây. Ngoài ra, khi trồng tại nhà, chậu trồng cây có thể sử dụng chậu kiểng, thùng xốp hoặc xô nhựa có diện tích rộng, đặt thành hàng thẳng với 1 cây/chậu. Dưới thùng xốp hoặc chậu cần đục thêm các lỗ thoát nước cho cây.
b. Kỹ thuật gieo trồng dưa lưới ruột vàng
Bước 1: Ngâm và ủ hạt
Hạt giống dưa trước khi ươm phải được ngâm nước ấm và ủ trong khăn ẩm ít nhất 1 ngày, sau đó rửa sạch và loại bỏ bớt các hạt lép. Do số lượng hạt giống dưa khi trồng tại nhà không nhiều nên quá trình này nên được thực hiện cẩn thận để tăng tỉ lệ tách mầm.
Bước 2: Ươm hạt vào bầu
Bỏ hạt giống vào bầu ươm giá thể đã chuẩn bị sẵn, lấp đầy giá thể xung quanh hạt và đặt bầu ươm vào vị trí khô thoáng, đã được che chắn kỹ càng, tránh khỏi ánh nắng mặt trời trực tiếp và mưa gió.
Bước 3: Trồng cây
Sau khi ươm, tưới nước cho cây nhẹ nhàng, cây sẽ bắt đầu nảy mầm và ra 2 lá thật sau khoảng 10- 15 ngày tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và môi trường. Tiếp theo, bạn tách bầu ươm và đặt cây vào trong chậu đất hoặc thùng xốp, nén đất chặt quanh gốc.
c. Quá trình chăm sóc dưa lưới ruột vàng
- Dưa vàng là loài cây ưa sáng và ưa nhiệt, trong khi trồng, đặt cây ở những nơi có đủ ánh sáng để cây phát triển khỏe mạnh.
- Bón phân từ khi cây bắt đầu ra lá, trong thời gian đầu, bạn sử dụng đạm hòa vào nước để tưới cách ngày. Khi cây có nụ non, pha hỗn hợp đạm, lân và kali hòa với nước theo tỉ lệ 3:1:2 sẽ giúp cây có thêm nhiều dinh dưỡng.
- Tưới nước đều đặn cho cây, tuy nhiên bạn nên lưu ý không tưới quá nhiều, khi cây ra 3- 4 lá thật thì chỉ tưới khoảng 700ml nước/ngày. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng và khô hạn thì nên tăng cường tưới thêm.
- Khi cây ra 5 lá, làm thêm giàn leo cao khoảng 1- 1,5m để cây leo.
- Bấm ngọn khi cây ra được 8 lá, bỏ đi các nhánh phụ quanh thân cây, bỏ ngọn già để cây ra ngọn nách đồng thời dọn sạch cỏ và phân bón thừa dưới gốc.
- Thụ phấn khi cây ra hoa để tăng tỉ lệ đậu quả. Thời gian thụ phấn thích hợp là vào buổi sáng, bạn nên chọn những bông hoa to và đẹp để thụ phấn thủ công. Sau khi thực hiện, tiến hành buộc túi vào các quả non để ngăn côn trùng.
- Trong quá trình chăm sóc cần chú ý đến các loại sâu hại dưa lưới và các bệnh thường gặp trên dưa lưới để có biện pháp ngăn chặn và phòng trừ hiệu quả.
Quá trình trồng dưa lưới ruột vàng hoàn toàn không khó, tuy nhiên trong quá trình sinh trưởng, cây rất dễ bị tấn công bởi các loại nấm, sâu bệnh, gây hại đến gốc rễ và làm giảm chất lượng quả. Vì thế, bạn nên lưu ý tăng giảm các loại phân bón, cân nhắc lượng nước tưới vừa đủ và sử dụng kết hợp các loại thuốc trừ sâu hóa học trong trường hợp có nhiều côn trùng gây hại.
Với phương pháp gieo trồng này, chúc bạn thành công và có được những trái dưa vàng tự trồng thơm ngon, bổ dưỡng nhất.