Sâu bệnh luôn có ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và phát triển của cây dưa lưới. Nhằm giúp cho bà con nông dân đạt năng suất cao nhất bài viết dưới đây của Lisado Foods sẽ gợi ý cho bạn cách phòng 1 số bệnh dưa lưới hiệu quả hỗ trợ người trồng tốt nhất.
Việc phòng bệnh cho dưa lưới có vai trò rất quan trọng giúp cây luôn phát triển một cách khỏe mạnh, hạn chế tối đa các mầm bệnh sinh sôi trên cây ảnh hưởng đến năng suất khi thu hoạch. Nếu bạn không chủ động phòng các loại bệnh trên dưa lưới thì sẽ khiến cây dễ mắc bệnh, kém phát triển không ra quả, thu hoạch số lượng ít, chất lượng dưa không cao, thậm chí cây bị chết.
Một số bệnh dưa lưới thường xuyên gặp phải đó là bệnh bọ dưa, sâu xanh ăn lá, thân dưa chảy nhựa,….cụ thể thông tin về tình hình bệnh, cách phòng tránh như sau:
1. Bệnh bọ dưa
Bọ dưa có tên khoa học là Aulacophora similis, do một ấu trùng có cánh, râu dài, mắt đen rất linh hoạt có vòng đời từ 18-35 ngày gây ra. Bọ dưa xuất hiện trên lá ăn phần diệp lục và biểu bì theo một đường đường vòng rồi ăn đứt luôn cuống lá. Trường hợp xuất hiện bọ dưa với số lượng lớn chúng sẽ tấn công ăn hết các đọt non khiến cây không thể phát triển nhanh.
Ấu trùng còn tấn công vào rễ cây, đục gốc cây làm cho thân cây bị héo vàng, phát triển chậm vì dưỡng chất không vận chuyển lên phần ngọn. Trường hợp xấu nhất cây sẽ chết đột ngột.
Cách trị:
- Sử dụng thuốc sâu Tasodant 12G: Sử dụng 500ml pha cho 400 lít nước, căn cứ vào quy mô canh tác dưa bạn có thể phân chia theo tỉ lệ tương ứng. Phun thuốc xung quanh gốc cây để diệt bọ dưa hiệu quả. Nên phun vào buổi sáng hoặc buổi chiều trong ngày.
- Sử dụng một số thuốc bảo vệ thực vật phun vào lá như: Chief 520WP, director 70EC, Southsher 10EC,…
Cách phòng tránh:
- Khi làm đất cần tiêu huỷ toàn bộ thực vật, cây cỏ dại, tàn dư từ vụ trước, làm sạch rộng trước khi lên luống.
- Mật độ bọ dưa ít có thể Dùng vợt hoặc tay để bắt chúng vào sáng sớm.
2. Sâu xanh ăn lá
Bệnh sâu ăn lá xanh có tên khoa học là Diaphania indica. Khi còn nhỏ sâu nhỏ có màu xanh lục, trên thân có 2 sọc trắng, lớn lên có màu nâu nhạt rồi chuyển thành nâu đen. Một con sâu có thể để đến 200 trứng trên các đọt non hoặc trái non.
Sâu nhỏ dùng tơ cuốn ngọn đọt non rồi ăn dần, khi lớn cắn trụi hết từ lá đến ngọn non. Sâu còn tấn công các trái dưa cạp vỏ dưa khiến cho quả dưa bị lép và da của dưa có nhiều vết loang lổ.
Cách trị:
Với quy mô trồng nhỏ, phát hiện sâu sớm bạn có thể bắt và giết sâu bằng tay. Còn quy mô trồng lớn, số lượng sâu nhiều sử dụng thuốc Vitashield Gold 600EC: pha từ 15-20ml/ bình 8 lít cho 1000m2 nên phun vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát. Lưu ý ngưng phun thuốc 14 ngày trước khi thu hoạch dưa.
Cách phòng tránh:
- Thường xuyên vệ sinh khu vực canh tác, trồng đúng mật độ, khoảng cách giữa gốc cây nhằm giảm độ ẩm, hạn chế sâu, nấm bệnh sinh sôi, phát triển.
- Ngắt bỏ các lá bị sâu ăn, dọn sạch các tàn dư của thân lá bị bệnh, loại bỏ các loại cỏ dại xung quanh gốc cây dưa.
3. Bệnh nứt thân dưa chảy nhựa
Bệnh nứt thân dưa chảy nhựa do nấm Mycosphaerella melonis gây nên. Nấm bệnh phát triển khi thời tiết nóng, mưa nhiều lây lan nhanh bằng bào tử. Bệnh xuất hiện chủ yếu trên thân cây hoặc trên lá, cuống lá.
Thân cây xuất hiện các vết đốm bầu dục, nhựa từ thân chảy ra bên ngoài màu xám trắng, kích thước các vết đốm 1-2cm và có độ lõm khiến cho thân cây bị khuyết. Bệnh trở nặng nhựa chuyển thành màu nâu đỏ và chảy dài xuống, thời gian dài cây sẽ bị chết khô vì không được cung cấp chất dinh dưỡng.
Bệnh còn lây lan ra vùng lá, những tán lá sẽ bị đốm màu nâu xám, các vết loang trên lá không đồng đều khiến cho lá cháy, khô rồi rụng. Trên cuống quả cũng bị tấn công bởi loại nấm gây hại này. Cuống quả cũng có biểu hiện như thân cây khiến cho quả dễ bị rụng khi còn non.
Cách trị:
Điều trị bệnh nứt thân chảy nhựa bằng thuốc Mancozeb: Pha 60-80g/bình 16 lít nước phun khi phát hiện ra bệnh. Nên ngừng phun thuốc 7 ngày trước khi thu hoạch.
Cách phòng tránh:
- Làm đất kỹ, thi dọn tàn dư cây trồng, làm luống cao tạo độ thông thoáng tốt nhất.
- Bón phân đạm với lượng vừa đủ để cung cấp dinh dưỡng cho cây, thân chính phát triển mạnh, rễ cây nhanh bén và giúp tăng năng suất, chất lượng dưa lưới.
- Sử dụng một số loại thuốc phun cho cây và gốc dưa để phòng bệnh như: Dithane M-45, , Ridomil,…
4. Nhện đỏ hoành hành
Nhện đỏ có tên khoa học là Tetranychus sp, nhện có kích thước rất nhỏ, thân phủ một lớp lông thưa, có 8 chân thường chích các mô ở trên lá dưa khiến cho lá mất đi màu xanh chuyển sang màu vàng. Lá thường bị vàng ở bên dưới mặt lá, sau một thời gian dài lá sẽ bị khô đi và ảnh hưởng đến chất lượng của quả dưa.
Cách trị:
Sử dụng thuốc Vitashield gold 600EC: pha 15-20ml/bình 8 lít cho 1000m2, phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều tối, thời gian dừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch là 14 ngày.
Cách phòng tránh:
Thường xuyên kiểm tra ruộng dưa, khi phát hiện có sự xuất hiện của nhện đỏ với số lượng ít thì nên dùng bọ rùa, bọ xít,…để tấn công, tiêu diệt nhện.
5. Lở cổ rễ dưa lưới
Bệnh lở cổ rễ do nấm Rhizoctonia solani gây ra, các bào tử của nấm xâm nhập vào các vết thương ở gốc cây. Nấm phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết có nhiệt độ cao, mưa nắng bất thường.
Tại vùng gốc cây phần vỏ sát mặt đất bị rộp lên, màu khác so với phần thân cây, bệnh sẽ nhanh chóng lan ra các phần xung quanh, phần vỏ bị gồ lên sẽ bị khô nếu trời mưa gốc bị thối, gốc cây có màu đen sì cây sẽ bị chết dần. Trong những ngày có sương có một lớp tơ màu trắng phủ lên những gốc bị lở, các vết lở xuất hiện các đốm vạch màu nâu vàng.
Cách trị:
Điều trị bệnh bằng sử dụng thuốc Rovral 50WP: Pha 20g/bình 8 lít và phun ướt đều lên các gốc cây, mỗi lần phun cách nhau 7 ngày.
Cách phòng tránh:
- Vệ sinh khu vực canh tác sạch sẽ, mật độ khoảng cách giữa các gốc cân đối, thoáng để hạn chế tối đa sự xuất hiện, sinh sôi của các loại nấm bệnh.
- Nhổ hết các gốc cây bị lở cổ ở rễ để không lây lan ra các cây khoẻ mạnh còn lại.
Với những cách phòng bệnh dưa lưới mà bài viết gợi ý cho bạn hy vọng bạn luôn vững vàng, phòng và chăm sóc dưa lưới đạt năng suất tốt nhất.