5 bệnh gây hại thường gặp trên dưa lưới và cách điều trị

5 loại bệnh gây hại thường gặp trên dưa lưới và cách điều trị

Sương mai, bọ trĩ, rệp muội… là một số bệnh phổ biến thường gặp ở cây dưa lưới. Việc nhận biết sớm và có cách điều trị hợp lý sẽ giúp hạn chế thiệt hại, ảnh hưởng, đảm bảo năng suất khi thu hoạch cho bà con nông dân.

Dưới đây là 1 số bệnh thường gặp ở dưa lưới và cách điều trị hiệu quả Lisado Food chia sẻ để bạn tham khảo:

1. Bệnh sương mai, đốm phấn

Dấu hiệu nhận biết và tác hại

Bệnh sương mai, đốm phấn do nấm Pseudoperonospora cubensis gây ra. Các sợi nấm hình ống len lỏi vào các tế bào trên lá hút các chất dinh dưỡng khiến cho lá cây từ màu xanh chuyển sang màu vàng, nâu nhạt.

Bệnh sương mai, đốm phấn trên dưa lưới

Trên các lá bị nhiễm bệnh xuất hiện những chấm nhỏ hình đa giác, hình tròn, mặt dưới hình thành một lớp mốc màu trắng xám. Bệnh xuất phát từ lá già sau đó lây lan sang các lá non.

Nấm bệnh phát triển mạnh mẽ trong điều kiện môi trường có độ ẩm cao ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây, dưa ra ít trái, quả dưa nhỏ, vị nhạt. Trong trường hợp nặng cây rụng hết lá và chết.

Cách điều trị:

  • Sử dụng nano bạc đồng super (50ml) + nano đồng oxyclorua (60-80ml)+ nano Silic (40ml) + 20 lít nước rồi phun đều thân, lá trên toàn bộ quy mô trồng dưa theo định kỳ 7 ngày/lần.
  • Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật Aliette 800WG: Pha 30g/bình 16 lít phun cho cây khi thấy bệnh xuất hiện.

2. Bệnh bọ trĩ trên dưa lưới

Dấu hiệu nhận biết và tác hại

Bệnh bọ trĩ có tên khoa học là Thrips palmi, ấu trùng bọ trĩ có màu đen dài khoảng 1-2mm, trứng của bọ trĩ có màu trắng nằm rải rác trên các tán lá cây và khả năng lẩn tránh của bọ trĩ rất nhanh từ lá này sang lá khác.

Bệnh bọ trĩ trên dưa lưới

Bọ trĩ hút các chất dịch trên mô lá và thân cây khiến cho lá bị xoăn lại, cây bị khô héo. Với tuổi đời từ 15-18 ngày chúng sẽ gây hại nặng cho giai đoạn cây từ khi còn non đến đậu quả.

Cách điều trị

  • Bọ trĩ có khả năng kháng thuốc cao, nhanh nhờn thuốc cần phải sử dụng thuốc có tác dụng mạnh. Sử dụng thuốc Thiamethoxam + Radiant 60SL + Confidor 100SL,…3 ngày sau khi trồng và phun định kỳ 7 ngày/lần cho đến khi dưa thụ phấn.
  • Sử dụng nhện nhỏ Amblyseius cucumber, bọ xít bắt mồi Orius sauteri và Orius strigicolly để tiêu diệt bọ trĩ. Thường xuyên ngắt bỏ lá, hoa có bọ trĩ, cung cấp chất dinh dưỡng, bón phân cho cây, thường xuyên tưới nước vào mùa khô để hạn chế tối đa sự phát triển của bọ trĩ.

3. Bệnh chạy dây, héo rũ

Dấu hiệu nhận biết và tác hại

Bệnh chạy dây, héo rũ do nấm Fusarium sp gây nên. Nấm bệnh phát triển mạnh trong điều kiện có độ ẩm cao, khu vực đất trũng và canh tác trên đất pha cát, đất thịt.

Bệnh chạy dây, héo rũ trên dưa lưới

Ở thời kỳ cây non nấm bệnh khiến toàn bộ lá dưa bị héo rũ, lá tái xanh, thân cây khô dần dần rồi chết. Đối với cây trưởng thành trên thân cây bị khô nứt, xuất hiện các vết sọc màu nâu, gốc cây bị xù xì, gồ lên làm tắc mạch dẫn, chất dinh dưỡng từ rễ không thể vận chuyển lên phía trên vì thế cây bị héo xanh.

Cách điều trị

  • Phun thuốc Visen 20SC. Đây là một thuốc đặc trị bệnh thối nhũn, héo xanh, cháy lá rất an toàn cho cây và con người. Lấy 10-20ml thuốc Visen 20SC phun kỹ vào các gốc cây, lá cây, thân cây dưa.
  • Nên phòng tránh bệnh ngay từ những ngày đầu bằng cách chọn hạt giống chất lượng tốt đã được khử độc bằng kasuran. Làm đất, lên luống cao, tiêu huỷ toàn bộ bã thực vật khi kết thúc một mùa vụ.

4. Bệnh rệp muội hại dưa lưới

Dấu hiệu nhận biết và tác hại

Rệp muội có tên khoa học là Aphis gossypii, rệp rất nhỏ với màu vàng nhạt hoặc màu xanh đen sẽ xuất hiện ở phía mặt sau của lá tạo thành các đốm nhỏ li ti hoặc đốm lớn.

Bệnh rệp muội hại dưa lưới

Rệp hút nhựa ở lá dẫn đến lá chuyển màu vàng, khô lại và héo dần đi, cây sinh trưởng phát triển kém dần đi và ảnh hưởng đến chất lượng quả sau khi thu hoạch.

Loại rệp này phát triển nhanh mùa hè khi thời tiết khô nóng, ít mưa. Sâu bệnh xuất hiện, phát triển từ khi cây còn non đến trưởng thành. Rệp muội đẻ rất nhanh là nguồn gốc gây nên bệnh nấm bồ hóng.

Cách điều trị

  • Sử dụng thuốc Oncol 25EC: Lấy 25ml thuốc pha với nước trong bình 8 lít. Phun vào các đọt non của cây dưa lưới vào buổi chiều mát, thực hiện phun trên toàn bộ cánh đồng dưa để điều trị bệnh.
  • Sử dụng thuốc Pegasus 500SC: Pha 7-10ml/bình 8 lít hoặc 15 – 20ml/bình 16 lít phun trên toàn bộ diện tích trồng dưa lưới. Bạn nên sử dụng thuốc với liều lượng phù hợp để không ảnh hưởng đến người dùng sau này.
  • Bệnh thối trái non

5. Bệnh thối trái non ở dưa lưới

Dấu hiệu nhận biết và tác hại

Bệnh thối trái non do nấm Choanephora cucurbitarum gây ra. Nấm bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa, có độ ẩm cao, mức độ lây lan nhanh chóng gây hại cho cây dưa.

Bệnh thối trái non ở dưa lưới

Vào khoảng 5- 7 ngày từ khi hoa thụ phấn nấm bệnh bắt đầu gây hại khiến cho các trái dưa non bị vàng úa, héo, teo lại, thối đen và rụng. Trong trường hợp bệnh nặng sẽ dẫn đến rễ bị thối và cây bị chết rũ.

Cách điều trị

Phòng trị bệnh thối trái non hiệu quả sử dụng các loại thuốc phun đặc trị như Curzate, Aliette, Manzate, Ridomil,…theo tỉ lệ 7-10ml/ bình 8 lít và phun trực tiếp lên cây theo chu kỳ 7 – 10 ngày 1 lần.

Người trồng nên tăng cường bón phân chuồng để tạo nguồn vi sinh kháng nấm bệnh hại và loại bỏ các chế phẩm sinh học Trichoderma. Chú ý không nên tưới nước quá nhiều khiến nấm bệnh dễ phát sinh và luôn giữ cho đất luôn khô thoáng.

Trên đây là những bệnh thường gặp ở dưa lưới, người nông dân cần chú ý theo dõi và quan sát tình hình phát triển của cây, phát hiện và khắc phục bệnh nhanh chóng để thu hoạch được lượng dưa năng suất cao, đảm bảo chất lượng tốt nhất.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *